Giấy phép kinh doanh số 4200733876 cấp ngày 01/03/2008
Người ĐDPL: Huỳnh Vĩnh Phước
1 đăng lại11 liên quanGốcKhánh Hòa
Loạt dự án tỷ USD
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy về việc báo cáo danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Vân Phong theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Trong giai đoạn 2023-2024, Khánh Hòa dự kiến ưu tiên thu hút đầu tư 27 dự án vào KKT Vân Phong. Ảnh: Trung Vũ.
Theo đó, trong giai đoạn 2023-2024 dự kiến ưu tiên thu hút đầu tư 27 dự án vào KKT Vân Phong. Trong giai đoạn 2024-2025 sẽ ưu tiên thu hút thêm 10 dự án.
Cụ thể, đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô đầu tư trên 12.000 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2024, Khánh Hòa sẽ ưu tiên thu hút dự án Trung tâm thương mại, tài chính Đầm Môn nằm trong khu thuế quan, thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh có tổng vốn dự kiến 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Khánh Hòa sẽ ưu tiên đầu tư 19 dự án thuộc nhóm dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; đầu tư xây đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf có quý mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng.
Một số dự án nổi bật như: Khu hỗn hợp dịch vụ cao cấp đảo Hòn Lớn (đảo Hòn Lớn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) rộng khoảng 4.800ha (đất xây dựng dự án khoảng 2.300ha) tổng vốn dự kiến 99.000ha; dự án Khu đô thị đa năng Cổ Mã – Tu Bông 1 và 2 (xã Vạn Thọ, Vạn Phước, Vạn Long, huyện Vạn Minh), mỗi dự án rộng khoảng 1.300 ha tổng vốn đầu tư 90.000 tỷ đồng/dự án…
Cùng với các dự án nói trên là 4 dự án thuộc nhóm dự án đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, dịch vụ chăm sóc sức khỏe có quy mô từ 6.000 tỷ đồng trở lên.
Cả bốn dự án gồm: nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong (100.000 tỷ đồng); tổ hợp hóa dầu Nam Vân Phong 1 và 2 (60.000 tỷ đồng/dự án) và nhà máy sản xuất Hydro xanh và pin nhiên liệu mới (48.000 tỷ đồng) đều thuộc khu vực Nam Vân Phong và tập trung ở khu vực xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa.
Khu vực Nam Vân Phong ưu tiên thu hút 4 dự án năng lượng hơn 260.000 tỷ đồng. Ảnh: Trung Vũ.
Nhóm cuối cùng được ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong thuộc nhóm dự án xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logicstics… có quy mô đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên.
Theo đó, có 3 dự án được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2023-2024 gồm dự án sân bay dân dụng phục vụ charter (xã Vạn Thắng, Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh) tổng vốn 10.000 tỷ đồng; dự án cảng biển du lịch quốc tế (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) tổng vốn 3.000 tỷ đồng và cảng tổng hợp Nam Vân Phong (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) khoảng 45.000 tỷ đồng.
Đề xuất điều chỉnh bổ sung đất ở
Liên quan đến KKT Vân Phong, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có báo cáo về việc điều chỉnh Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
6 phân khu chức năng ở bán đảo Hòn Gốm và khu vực Cổ Mã - Tu Bông được đề xuất điều chỉnh lại tính chất và cơ cấu sử dụng đất. Ảnh: Trung Vũ.
Theo UBND tỉnh này, trong quá trình hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch để trình thẩm định và phê duyệt, đơn vị tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch đã phối hợp với tư vấn của Tập đoàn Sun Group nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh lại tính chất và cơ cấu sử dụng đất tại 6 phân khu chức năng ở bán đảo Hòn Gốm và khu vực Cổ Mã - Tu Bông nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và điều kiện tự nhiên của khu vực này.
Cụ thể, phân khu 1 rộng khoảng 4.900ha từ Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn đề xuất điều chỉnh thành Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng đảo Hòn Lớn nhằm tạo ra sản phẩm dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp với trải nghiệm dã ngoại và khám phá đại dương…
Riêng phân khu 2 (Khu du lịch sinh thái Núi Khải Lương rộng khoảng 4.400ha) được đề xuất điều chỉnh tính chất có thêm vui chơi giải trí có thưởng và mạng lưới giao thông liên kết đảo Hòn Lớn và tuyến đường hầm qua núi liên kết với khu vực phía nam núi Khải Lương.
Riêng phân khu 3 và 5 sẽ bổ sung thêm đất ở đơn vị ở. Cụ thể, phân khu 3 rộng 4.100 ha, điều chỉnh từ “Khu phi thuế quan, cảng biển và du lịch” thành “Trung tâm cảng biển, đô thị, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Đầm Môn", có thêm trung tâm cảng biển, công viên chuyên đề, công viên cao cấp, sân golf, trong đó có bổ sung đất ở đơn vị ở.
Đơn vị tư vấn đề xuất khu đô thị sân bay cao cấp Cổ Mã - Tu Bông tại khu vực phía Bắc huyện Vạn Ninh.
Phân khu 5 rộng khoảng 1.600 ha, điều chỉnh từ “Khu dịch vụ du lịch Tuần Lễ - Hòn Ngang” thành “Trung tâm thể thao quốc tế, du lịch và đô thị Tuần Lễ - Hòn Ngang” với tính chất điều chỉnh thêm các bộ môn thể thao, sân golf, công viên chuyên đề, trong đó, cũng đề xuất bổ sung thêm đất ở.
Phân khu 4 rộng 1.600 ha điều chỉnh từ “Khu đô thị, du lịch Vĩnh Yên - Mũi Đá Son” trở thành “Trung tâm triển lãm du thuyền quốc tế, đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp Mũi Đá Son”. Theo đó, khu vực này được đề xuất điều chỉnh phát triển khu du lịch sinh tháu nghỉ dưỡng ven biển cao cấp, bến du thuyền, trung tâm nghiên cứu, triển lãm du thuyền quốc tế, khu đô thị dân cư kết hợp dịch vụ du lịch, ẩm thực địa phương.
Riêng phân khu 8 rộng khoảng 5.500ha thuộc các xã phía Bắc huyện Vạn Ninh được đề xuất điều chỉnh từ “Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông” với định hướng phát triển khu đô thị đa chức năng cao cấp, thương mại dịch vụ, sân bay dân dụng phục vụ charter, bến thủy phi cơ...
Khu này hiện được đề xuất điều chỉnh trở thành “Khu đô thị sân bay cao cấp Cổ Mã - Tu Bông” với tính chất đa chức năng cao cấp, thương mại dịch vụ, trung tâm nghiên cứu, cảng hàng không, bến thủy phi cơ…
TRUNG VŨ