Giấy phép kinh doanh số 4200733876 cấp ngày 01/03/2008
Người ĐDPL: Huỳnh Vĩnh Phước
Hạ tầng đồng bộ - điều kiện thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong
Thứ Tư, 16:45, 23/11/2022
VOV.VN - Khánh Hòa đang triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, hiện đại cũng như hạ tầng giao thông nội vùng nhằm thu hút các nhà đầu tư vào Khu Kinh tế này.
Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa có tổng diện tích gần 150.000 ha, thuộc địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh với điều kiện tự nhiên thuận lợi. Thế nhưng, trong một thời gian dài, việc thu hút đầu tư vào đây gặp nhiều khó khăn do hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Tỉnh Khánh Hòa đang tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, thu hút các nhà đầu tư vào Khu Kinh tế này.
Cảng tổng hợp Nam Vân Phong là dự án vừa đầu tư xây dựng được đưa vào khai thác hồi năm ngoái tại Khu Kinh tế Vân Phong. Đây là cảng biển có quy mô lớn ở khu vực Nam Trung bộ. Dự án do Công ty CP Cảng Quốc tế Nam Vân Phong làm chủ đầu tư tại phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Cảng tổng hợp Nam Vân Phong có 2 cầu cảng, tổng chiều dài gần 500m, đón được tàu từ 50.000-70.000 DWT. Hiện cảng này đã có sự tăng trưởng tốt khi phục vụ xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên như dăm gỗ, vật liệu xây dựng, các mặt hàng nông sản, thiết bị...
Ông Huỳnh Vĩnh Phước, Giám đốc Cảng Nam Vân Phong cho biết, từ cảng quốc tế Nam Vân Phong ra đến tuyến hàng hải quốc tế rất gần, chỉ từ 17-20 hải lý. Kết nối đường bộ từ cảng ra đến Quốc lộ 1A chỉ 12km, cách cao tốc Bắc Nam sắp đến xây dựng chỉ 15km. Thị trường Tây Nguyên xuất khẩu đường biển, cảng Nam Vân Phong là tuyến đường ngắn nhất, nhanh nhất, tiết kiệm chi phí nhất.
Bên cạnh Cảng tổng hợp Nam Vân Phong, khu vực phía Nam vịnh Vân Phong thuộc thị xã Ninh Hòa cũng đang sôi động với nhiều dự án lớn đã và đang đầu tư tại đây. Đó là dự án Kho Xăng dầu Ngoại quan Vân Phong, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Công ty đóng tàu Huyndai Việt Nam… Các dự án này có tổng số vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Trong khi đó, tại Khu vực phía Bắc vịnh Vân Phong, thuộc địa phận huyện Vạn Ninh thì việc thu hút đầu tư còn gặp khó khăn. Khu vực này đang chờ điều chỉnh quy hoạch chung về xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Gần đây, nhiều tập đoàn lớn đề xuất ý tưởng đầu tư tại khu vực này nhưng điều chỉnh quy hoạch chung và các quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt, nên chưa thể triển khai đầu tư.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, đầu tư các dự án vào khu vực này phải chờ quy hoạch nhưng có khoảng thời gian lỡ nhịp. “Phía Bắc có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý để tổ chức lựa chọn nhà thầu. Một số phân khu chức năng nhà đầu tư đề xuất chưa có quy hoạch phân khu được phê duyệt nên Ban chưa triển khai được các bước tiếp theo”, ông Hoàng cho biết.
Năm 2022, Khu Kinh tế Vân Phong có nhiều thuận lợi để phát triển khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển huyện Vạn Ninh trở thành đô thị biển hiện đại, đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao. Còn thị xã Ninh Hòa hướng đến là đô thị công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư, lao động, môi trường, tạo động lực thu hút nhiều dự án lớn. Các nhà đầu tư chiến lược vào khu vực này cũng được hưởng các chính sách ưu đãi về nghiên cứu đầu tư phát triển, ưu tiên thủ tục hải quan. Sắp tới, các tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được xây dựng sẽ giúp Vân Phong liên kết với Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, để tăng cường thu hút vào Vân Phong, các cơ quan chức năng cần đổi mới cách làm, cải cách hành chính theo tư duy hướng tới nền hành chính phục vụ doanh nghiệp, giảm tối đa thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, hiện đại. Đó là các tuyến cao tốc quốc gia, cảng biển tổng hợp lớn, sân bay và đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông nội vùng để kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia.
“Khu Kinh tế Vân Phong rất rộng lớn với 150.000 ha, trong đó 70.000 ha mặt đất, 80.000 ha mặt biển. Phải định hình được những nhà đầu tư lớn và phải hành động ngay từ bây giờ để “hút” những dự án đến Vân Phong từ những nhà đầu tư du lịch, bất động sản đẳng cấp trong nước và quốc tế, cũng như nhà đầu tư về công nghiệp năng lượng, lọc hóa dầu. Tỉnh Khánh Hóa bám sát định hướng của Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đó là tập trung dịch vụ logictics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng và kinh tế số”, ông Nguyễn Hải Ninh chỉ rõ./.
Thái Bình/VOV-Miền Trung