Giấy phép kinh doanh số 4200733876 cấp ngày 01/03/2008
Người ĐDPL: Huỳnh Vĩnh Phước
Tuy mới đi vào hoạt động nhưng Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đã liên tục tiếp nhận các tàu hàng nhập khẩu máy móc. Tương lai gần, cảng sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa chính cho khu vực Vân Phong và Tây Nguyên.
Điểm đến của các thiết bị năng lượng
Sáng 12-3, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đón tàu BBC RIO GRANDE (quốc tịch Antigua and Barbuda) có trọng tải 17.110DWT chở lô hàng thiết bị điện gió đầu tiên cập cảng. Đây là một trong những lô hàng thuộc dự án điện gió của Công ty TNHH một thành viên Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông. Những ngày tới, dự kiến còn nhiều tàu thiết bị tiếp tục thông qua cảng để phục vụ cho các dự án điện gió tại Tây Nguyên. Ông Huỳnh Vĩnh Phước - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Yến Vân Phong cho biết: “Việc đón tàu BBC RIO GRANDE là kết quả nỗ lực của tập thể cán bộ cảng từ thương lượng, đàm phán và ký kết hợp đồng với các đối tác; là mốc quan trọng trong việc vận hành, khai thác cảng; thể hiện định hướng về chủng loại mặt hàng chính qua cảng. Thiết bị điện gió cho các dự án ở Tây Nguyên và thiết bị cho dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 là những mặt hàng cảng đã ký kết được”.
Ngay từ cuối năm 2020, lãnh đạo Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đã xác định các dự án năng lượng sẽ là khách hàng chính của cảng. Hiện nay, cảng tập trung xúc tiến ký kết với các dự án điện gió tại khu vực Tây Nguyên để các tàu nhập khẩu thông qua cảng. Bên cạnh đó, khu vực nam Vân Phong nổi lên là trung tâm nhiệt điện mới của cả nước với nhiều dự án đang xúc tiến triển khai. Vì vậy, cảng sẽ là điểm chuyển hàng thuận lợi nhất cho các tàu nhập khẩu. Thời gian tới, khi các dự án điện khí khác triển khai sẽ có thêm nhiều tàu hàng nhập khẩu thiết bị đi vào khu vực nam Vân Phong. Đây chính là cơ hội tốt, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho cảng.
Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong đánh giá: “Cảng tổng hợp Nam Vân Phong góp phần vận chuyển hàng hóa cho cả khu vực; tiếp nhận các vật tư hàng hóa từ nước ngoài về phục vụ Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên. Cảng trở thành động lực mới cho việc phát triển kinh tế của nam Vân Phong, tạo tiền đề để ban nghiên cứu, tiếp cận một số dự án có quy mô lớn, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế chung, phát huy được lợi thế, tiềm năng sẵn có”.
Năm 2021, phấn đấu 1 triệu tấn hàng qua cảng
Đến nay, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đã hội tụ đầy đủ các yếu tố như: Kết cấu cầu bến, hạ tầng kỹ thuật, nhân sự, trang thiết bị, phương thức hoạt động, hải quan tự động, trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước... để có thể hoạt động 24/24 giờ. Tất cả hạ tầng kỹ thuật đã đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe của các chủ hàng, chủ tàu quốc tế. Sự phát triển của cảng sẽ tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực Vân Phong. Đồng thời, góp phần giảm ách tắc giao thông đường bộ, giảm chi phí vận tải, logistics cho các doanh nghiệp địa phương. Trong quý I/2021, dự kiến cảng sẽ đón hàng chục lượt tàu hàng nhập khẩu thiết bị điện. Riêng thiết bị phục vụ cho dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 khoảng 400.000m3. Đối với điện gió các tỉnh Tây Nguyên khả năng lên tới 550.000m3. Ngoài ra, cảng còn tiếp nhận khoảng 30.000 tấn hàng hóa khác như: Phân bón, xi măng, đường, đá granite, cọc bê tông, bắp, bột sắn… Kế hoạch năm 2021, cảng đặt chỉ tiêu 1 triệu tấn hàng thông qua cảng. Trong đó, có 505.000 tấn hàng xuất khẩu, 360 tấn hàng nhập khẩu và 146.000 tấn hàng nội địa.
Ông Lê Đình Trí - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thanh Yến Vân Phong cho biết: “Thời gian tới, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong sẽ trở thành một trong những bến cảng tổng hợp lớn tại khu vực vịnh Vân Phong. Cảng sẽ từng bước trở thành trung tâm logistics lớn, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, kết nối với thị trường Tây Nguyên rộng lớn và đầy tiềm năng. Cảng được xác định đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế biển của khu vực, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương”.
Đình Lâm