Business license No. 4200733876 issued 01/03/2008
Legal Representative: Lê Đình Trí
Thứ Sáu, 31/12/2021, 23:13 [GMT+7]
Sáng 31-12-2021, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Báo cáo tổng kết Kết luận 53 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Chính trị khóa XI. Chủ trì hội thảo có các ông: Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53; Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ; Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng BCĐ. Cùng dự có ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại điểm cầu Khánh Hòa, các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các ông trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy... tham dự hội thảo.
Tiềm năng và thách thức
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hải Ninh cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 53, được sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp của các địa phương trong cả nước, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển vùng, góp phần với cả nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, XII, XIII của Đảng. Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt tiềm năng, lợi thế cho phát triển, đạt một số chỉ tiêu đặt ra, trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế đạt mức khá; quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người đạt chỉ tiêu đặt ra với kinh tế biển là nền tảng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thu ngân sách tăng nhanh, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương, có điều tiết về ngân sách Trung ương. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành, tỷ lệ đô thị hóa đạt mức cao. Phát triển văn hóa, xã hội; giáo dục và đào tạo; công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt được nhiều tiến bộ; tỷ lệ hộ nghèo đạt mức thấp. Phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp chặt chẽ với tăng cường quốc phòng, an ninh; chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện; hoạt động của bộ máy hành chính được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Ninh cũng đánh giá, sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53, tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển. Một số mục tiêu và chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành. Khánh Hòa chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, chưa thực sự là động lực phát triển của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao, tăng trưởng chưa bền vững. Nguồn thu ngân sách chưa ổn định; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn có mặt hạn chế, hiệu lực quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, ở một số giai đoạn còn yếu kém và khuyết điểm… Đây cũng chính khó khăn và thách thức đối với Khánh Hòa trong thời gian tới.
Cần những giải pháp đột phá
Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53, kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng khá, giai đoạn 2012 - 2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 1,76 lần so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011; trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực. Khu Kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành và tương đối hiện đại. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp. Một số cơ sở công nghiệp và hạ tầng quan trọng được hình thành như: Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Khu Công nghiệp Suối Dầu. Hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng đạt một số kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển. Ông Trần Tuấn Anh yêu cầu các đại biểu, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học tập trung tham luận, trao đổi, làm sâu sắc hơn về những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan; phân tích và làm rõ vai trò, vị trí của Khánh Hòa trong vùng và cả nước, nhất là vị trí địa kinh tế, địa chiến lược; tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa, nhất là tiềm năng, lợi thế về biển, về kết nối quốc tế; từ đó đề xuất những quan điểm và giải pháp nhằm phát huy ở mức cao nhất những tiềm năng, lợi thế này cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phân tích và làm rõ bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những cơ hội, thách thức đặt ra đối với Khánh Hòa trong giai đoạn tới, từ đó đề xuất những quan điểm và giải pháp nhằm nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức (công nghiệp 4.0; biến đổi khí hậu; các vấn đề an ninh phi truyền thống; vấn đề Biển Đông...); đề xuất các quan điểm mới, mục tiêu và các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá nhằm phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa nói chung và một số vùng, ngành, lĩnh vực nói riêng, nhất là những vùng, ngành, lĩnh vực đột phá và bền vững…
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 31 bài tham luận từ các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, phân tích và làm rõ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa trong 10 năm qua gắn với thực hiện Kết luận 53. Các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất đề nghị BCĐ đề xuất Bộ Chính trị ban hành chủ trương, định hướng mới, phù hợp với thực tiễn phát triển, tình hình quốc tế và khu vực, tạo động lực cho địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các đại biểu đều thống nhất Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, để hướng tới phát triển bền vững Khánh Hòa trên cơ sở khai thác tốt, có hiệu quả các lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Bên cạnh đó, cần có những định hướng lớn mang tính đột phá và phù hợp với các xu thế phát triển của quốc tế, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển của Khánh Hòa có tác động rất lớn cho vùng và cả nước.
Đình Lâm